Skip to main content

Xã Phú Hiệp huy động sức dân đầu tư đường cộ nông thôn

          Tính từ trung tâm huyện Phú Tân, xã Phú Hiệp thuộc vùng sâu, vùng xa, với địa phậnhướng đông và bắc giáp 2 xã Hòa Lạc, Phú Long, phía tây giáp xã Châu Phong của Thị xã Tân Châu, phía nam giáp TP. Châu Đốc và ngăn cách bởi sông Hậu. Toàn xã có 3 ấp thì đến 70% hộ dân sống bằng nghề nông nghiệp, việc giao thương nông sản nói riêng và các điều kiện phát triển đời sống nói chung phụ thuộc rất lớn vào hạ tầng giao thông.

Để nỗ lực tạo điều kiện cho vùng nông thôn phát triển, ngoài nguồn đầu tư của tỉnh, huyện thì địa phương đã huy động nội lực trong nhân dân nhằm tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống đường nông thôn. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp Lê Văn Hiện cho biết, trên địa bàn xã có đường tỉnh 951 đi qua với chiều dài 4,2km, giữa đường tỉnh và đường cặp sông Hậu có 4 đường đấu nối. Trước đâyđường cặp sông Hậu không được láng nhựa, do nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở. Vì vậy người dân đi lại rất khó khăn, kéo theo ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội. Trước thực trạng này, địa phương ra nghị quyết để tuyên truyền, vận động nhân dân ưu tiên làm 4 đường đấu nối và nỗ lực hoàn thành trong 2 năm (2018 và 2019). Đến năm 2020, xã tiếp tục vận động bà con làm đường cặp sông Hậu, có chiều dài 4,2km, hiện nay đã hoàn thành 3,5km, phần còn lại đang xúc tiến để hoàn chỉnh toàn bộ giao thông trên địa bàn.

Điển hình tại ấp Hòa Lợi, khởi đầu, Ban Nhân dân ấp và một số hộ dân cùng góp tiền, góp sức bê-tông đoạn đường dân sinh dài 50m, ngang 3m và bề dày hơn 1 tấc. Thấy vậy, đường thực hiện nối dài đến đâu, các hộ còn lại tự nguyện đóng góp tiếp đến đó. Ban Nhân dân ấp còn tiếp tục vận động hộ dân đóng góp cùng cán bộ, nhà hảo tâm để bê-tông hóa đường cặp sông Hậu với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng, chưa tính ngày công lao động. Cô Võ Thị Huệ (hộ sống trên địa bàn ấp) chia sẻ: “Thời gian qua chính quyền địa phương vận động làm đường, tôi rất vui mừng vì trong đó có con cháu của tôi đi học. Con đường đi lại khó khăn trước đây nay đã cao ráo, sạch sẽ và kiên cố, các cháu của tôi không còn lo cảnh bị bùn lầy, trơn trượt”. 2 ấp còn lại trên địa bàn xã cũng thực hiện theo cách làm tương tự: Đảng, nhà nước vận động và làm trước, nhân dân cùng hưởng ứng theo sau.Tổng kinh phí vận động thực hiện 4 đường đấu nối và đường cặp sông Hậu khoảng 2,5 tỷ đồng, đều do nhân dân và nhà hảo tâm đóng góp tiền cùng ngày công lao động.

Việc thực hiện quy chế dân chủ trên địa bàn xã được đảm bảo đã đem lại niềm tin cho nhân dân. Các tuyến đường dần hoàn thiện, nối tiếp từng công trình sau đó càng có nhiều người dân tham gia ủng hộ, là chủ trương được địa phương đánh giá rất hợp “ý Đảng, lòng dân” trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.So với nhiều năm trước, hiện nay muốn đến xã Phú Hiệp bằng các đường liên xã thuận lợi hơn rất nhiều, nhờ đường lộ được nhựa hóa, bê-tông hóa, mặt đường mở rộng thông thoáng. Điều kiện giao thông thuận lợi đã phục vụ hiệu quả lợi ích đi lại, dễ dàng sản xuất, giao lưu hàng hóa của người dân.Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Hiệp lê Văn Hiện đánh giá: “Điều kiện phát triển kinh tế của xã Phú Hiệp đang ngày càng nâng lên, sự khó khăn trong việc đi lại của nhân dân trước đây, nhất là trong vận chuyển nông sản đã được khắc phục, di chuyển đường thủy và đường bộ đều thuận lợi. Nhờ vậy, chi phí trong sản xuất, mua bán nông nghiệp giảm xuống, điều kiện phát triển đời sống của hộ dân cải thiện, hộ khó khăn giảm dần và tăng hộ khá giả. Sau khi hoàn thiện các tuyến đường, địa phương tiếp tục vận động nhân dân làm đèn đường thắp sáng lộ nông thôn để đảm bảo đi lại an toàn, góp phần giữ an ninh trật tự”.

Nằm cách xa trung tâm huyện, nhưng nhờ hệ thống giao thông được đầu tư kết nối với các địa bàn, hiện nay xã Phú Hiệp đang vươn lên từng bước theo lộ trình xây dựng nông thôn mới: thay đổi diện mạo, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của nông hộ, mặt bằng chung của đời sống nhân dân đều khá. Hàng năm các phong trào thi đua thúc đẩy các chỉ tiêu kinh tế, văn hóa, giáo dục trên địa bàn xã luôn đạt chỉ tiêu đề ra. Các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và nhân dân tham gia đóng góp mạnh mẽ vào các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phúc lợi xã hội để mua xe chuyển bệnh từ thiện, xây dựng nhà Đại đoàn kết, tích cực chuyển đổi đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái…